Chặng đường phát triển vượt bậc của khoa Tim mạch, Bệnh viện FV có sự đóng góp không nhỏ từ “thuyền trưởng” Hồ Minh Tuấn.
Niềm say mê trong ánh mắt và giọng điệu hào hứng khi nói về chuyên môn, chia sẻ hoài bão của TS.BS Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, phần nào khắc họa nên chân dung vị bác sĩ tận tâm, vị “thuyền trưởng” vững vàng và luôn truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ bác sĩ trẻ.
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn bắt đầu cuộc trò chuyện bằng lý do “bén duyên” và gắn bó với lĩnh vực tim mạch gần 3 thập kỷ.
“Lúc mới vào nghề, tôi quyết định chọn ngành tim mạch để có cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhân hơn, bởi căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Trong đó, 3 nhóm bệnh gây tử vong nhiều nhất trong lĩnh vực tim mạch là nhồi máu cơ tim, đột quỵ và thuyên tắc động mạch phổi. Tất cả đều liên quan đến mạch máu và tim”, bác sĩ chia sẻ.
Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và kiến thức trong quá trình làm việc tại các bệnh viện lớn trong nước, bác sĩ Tuấn được cử sang trau dồi nghiệp vụ tim mạch can thiệp tại Viện Tim Quốc gia Malaysia và Bệnh viện Saiseikai Yokohamashi Tobu, Nhật Bản.
Ngày trở lại quê hương, hành trang vị bác sĩ mang theo là kiến thức quý giá trong lĩnh vực tim mạch cùng nỗi trăn trở về hai chữ “cống hiến”.
“Ngành tim mạch Việt Nam gặp nhiều thách thức khi độ tuổi mắc bệnh trẻ hóa, trong khi nhóm bệnh nhân lớn tuổi tăng tần suất bệnh thoái hoá van tim và đi kèm nhiều bệnh nền. Không ít lần tôi đối mặt với những ca bệnh khó, thử thách nhất có lẽ là các ca ngưng tim trong và ngoài bệnh viện. Điều này khiến tôi nuôi giấc mơ về một trung tâm tim mạch toàn diện, nơi bệnh nhân được điều trị với kỹ thuật mới nhất, cứu sống nhiều bệnh nhân trong nguy kịch và giúp họ có chất lượng sống tốt khi ra viện”, bác sĩ trăn trở.
Ước mơ này dần được hiện thực hóa khi bác sĩ gia nhập Bệnh viện FV năm 2021 trong vai trò Trưởng khoa Tim mạch. Dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Tuấn, khoa Tim mạch – Bệnh viện FV liên tục triển khai các kỹ thuật tiên tiến, có độ phức tạp cao.
Gần nhất, bác sĩ Tuấn cùng cộng sự triển khai thành công kỹ thuật TAVI (Transcatheter Aortic Valve Implantation) – phương pháp thay van động mạch chủ qua da.
Kỹ thuật này sử dụng ống thông nhỏ để thay thế van tim mới, thông qua động mạch ở bẹn. Quá trình này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của máy siêu âm tim và hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) tiên tiến.
Theo bác sĩ Tuấn, đây là kỹ thuật thuộc loại phức tạp hàng đầu trong can thiệp tim mạch, đòi hỏi thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. FV là một trong số ít bệnh viện tại Việt Nam có đủ năng lực áp dụng kỹ thuật này nhờ lợi thế phòng Cathlab hiện đại, máy móc thế hệ mới cùng đội ngũ chuyên gia giỏi.
Đồng hành cùng bác sĩ Tuấn từ những ngày đầu khoa Tim mạch triển khai kỹ thuật TAVI, anh Lâm Văn Kiệt, Trưởng nhóm Cathlab, Bệnh viện FV, cho biết đội ngũ Cathlab mất hàng tháng trời để chuẩn bị đầy đủ danh mục thiết bị, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Tuấn.
Bác sĩ Tuấn còn mời bác sĩ Datuk Rosli Mohd Ali, cựu Giám đốc Trung tâm Tim mạch quốc gia Malaysia, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện CVSKL tại Kuala Lumpur, chuyên gia nhiều kinh nghiệm triển khai kỹ thuật TAVI – đến FV hỗ trợ ê-kíp thực hiện những ca phẫu thuật đầu tiên.
“Từ khi về Bệnh viện FV, TS.BS Hồ Minh Tuấn đã thay đổi cái nhìn của bộ phận kỹ thuật về thủ thuật lẫn thiết bị. Dưới sự dẫn dắt của bác sĩ, chúng tôi rất phấn khởi khi được tiếp cận những công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến trong điều trị tim mạch”, anh Kiệt bày tỏ.
Trong 4 năm làm việc tại Bệnh viện FV, bác sĩ Tuấn từng triển khai nhiều sáng kiến thiết thực khác như reserve Cathlab (ê-kíp thường trực Cathlab để hỗ trợ các ca bệnh liên quan đến tim), quy chuẩn “70 phút vàng” trong điều trị người bệnh nhồi máu cơ tim cấp.
“Trong điều trị tim mạch, ngoài kỹ thuật chuyên môn cùng thiết bị y tế chuyên dụng, tính kịp thời và phối hợp liên chuyên khoa là yếu tố quyết định sự thành công”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Theo quy định quốc tế, thời gian từ khi bệnh nhân mạch vành và nhồi máu cơ tim được đưa vào viện cấp cứu đến khi kết thúc phẫu thuật phải dưới 90 phút. Tuy nhiên, Bệnh viện FV đặt ra tiêu chí cao hơn – rút ngắn dưới 70 phút, trong đó thời gian có mặt tại phòng cấp cứu đến khi bệnh nhân được đưa vào phòng Cathlab chỉ hơn 10 phút, thời gian đặt xong stent chưa đầy 25 phút…
Để khống chế thời gian ngắn nhất, mỗi ê-kíp như đang tham gia “cuộc đua Công thức 1”, phải cực kỳ nhuần nhuyễn ở từng khâu và bổ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo người bệnh được cấp cứu kịp thời, liên tục 24/24.
Theo ghi nhận của khoa Tim mạch, 99% ca bệnh nhồi máu cơ tim cấp khi điều trị can thiệp tại FV đảm bảo thời gian quy định, tỷ lệ sống trên 95%.
Nhân tố quan trọng nhất đảm bảo khoa Tim mạch, Bệnh viện FV giữ vững những con số kỳ tích trên là đội ngũ chuyên gia. Bên cạnh đó, phải kể đến vai trò then chốt của công nghệ và kỹ thuật điều trị tiên tiến.
Tại FV, phòng Cathlab – với trang thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam như máy hình ảnh quang học trong lòng mạch (OCT), siêu âm trong lòng mạch (IVUS), máy cắt mảng vôi xơ vữa thành mạch (Rotablator), máy siêu âm tim GE Vivid 3, Philips EPIQ, máy đo điện tâm đồ Holter ECG, hệ thống máy thực hiện nghiệm pháp gắng sức, máy theo dõi huyết áp 24 giờ, máy chụp cắt lớp MSCT 256 lớp, máy chức năng tim-phổi CPET, xạ hình cơ tim… được ví như “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ cứu chữa kịp thời những ca bệnh nguy hiểm như tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, nhồi máu cơ tim, hẹp hở van tim, các bệnh lý tắc nghẽn hệ thống mạch máu, bệnh cơ tim, các bệnh cấu trúc tim.
Nhờ đầu tư thiết bị hiện đại và đồng bộ, áp dụng phương thức điều trị toàn diện cho bệnh nhân, Bệnh viện FV có thể thực hiện các ca cấp cứu phức tạp và hy hữu, cứu sống nhiều bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, phù phổi, shock tim.
“Tôi thường nói với các bác sĩ trẻ rằng được làm việc tại Bệnh viện FV là điều may mắn, bởi cơ sở vật chất và nhân lực tại đây gần như đáp ứng trọn vẹn kỳ vọng của người hành nghề y. Để đội ngũ y bác sĩ toàn tâm toàn ý cứu người, FV triển khai chính sách ưu tiên cứu bệnh nhân rất nhân văn, hiếm cơ sở y tế nào làm được”, bác sĩ tâm sự.
Còn nhớ trong bối cảnh cam go của đại dịch Covid-19 ở TP.HCM, bác sĩ Hồ Minh Tuấn vừa đảm trách vị trí Trưởng khoa Tim mạch, vừa giữ vị trí đầu tàu của khoa Điều trị Covid-19. Khao khát cứu thêm nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch khiến anh nỗ lực không ngừng.
Những “trái tim lỗi” được hồi sinh nhịp đập, những ca ngưng tim được cứu sống tựa kỳ tích đã xuất hiện tại Bệnh viện FV. Ký ức về nhiều đêm trắng cùng giây phút căng thẳng tột độ vẫn luôn ở đó, để nhắc nhớ bác sĩ về sự can trường và sứ mệnh hết lòng vì bệnh nhân khi khoác lên mình chiếc áo blouse.
Sau gần 3 thập kỷ cống hiến cho lĩnh vực tim mạch, điều trị cho hàng nghìn ca bệnh, không ít câu chuyện của bệnh nhân đã in dấu trong tâm trí vị trưởng khoa. Nếu ban đầu chọn tim mạch vì muốn cứu nhiều bệnh nhân thì chính sự quý mến của người bệnh đã tạo sức bền để bác sĩ gắn bó dài lâu với nghề.
Những ánh mắt cảm kích của người bệnh sau khi được trở về từ cõi chết, lời cảm ơn vỡ oà xúc động của gia đình bệnh nhân, những dòng thư viết tay của người bệnh trước khi xuất viện… là món quà ấm áp dành cho anh và ê-kíp của khoa Tim mạch sau giờ phút căng mình cứu người.
“Cảm ơn bác sĩ vì mang lại cho tôi món quà quý giá là 10-15 năm tiếp tục sống, cám ơn vì đã mang lại cho tôi nhịp đập cũ trong một trái tim mới” – từng con chữ mộc mạc trong lá thư dài 3 trang của một nữ bệnh nhân 67 tuổi gửi tới bác sĩ Tuấn trong Ngày Thầy thuốc việt Nam giúp vị anh có thêm niềm tin vào sức mạnh chữa lành của y khoa.
Ở tuổi ngũ tuần, TS.BS Hồ Minh Tuấn vẫn say sưa cống hiến cho lĩnh vực tim mạch và kiến tạo dấu ấn mới cho khoa Tim mạch, Bệnh viện FV. Trong bối cảnh Việt Nam dần bắt kịp các nước tiên tiến về hệ thống máy móc cũng như kỹ thuật hiện đại, ưu tư lớn nhất của bác sĩ Tuấn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hơn 4 năm gắn bó với FV, bác sĩ Tuấn trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho hàng trăm sinh viên y khoa trong nước và quốc tế, bác sĩ nội trú bệnh viện, cao học, nghiên cứu sinh…
Nhận thức rõ ngành tim mạch liên tục có tiến bộ mới từ phương tiện chẩn đoán bệnh, thuốc chữa bệnh đến phương pháp can thiệp, bác sĩ tạo điều kiện tối đa để đội ngũ cập nhật kiến thức, kỹ thuật qua công tác đào tạo nội bộ hàng tuần.
“Giờ nghỉ trưa thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, phòng họp của khoa Tim mạch luôn sáng đèn, tất cả bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng họp mặt để sinh hoạt chuyên môn. Mỗi buổi sẽ có một bác sĩ đứng lớp để cập nhật cho anh em những kiến thức y khoa mới trên thế giới. Mọi người rất phấn khởi và năng nổ tham gia chia sẻ kiến thức”, bác sĩ tâm sự.
Với lợi thế kết nối nhiều trung tâm tim mạch lớn trong khu vực, bác sĩ Tuấn thường mời các chuyên gia đầu ngành trên thế giới đến FV để thực hiện các kỹ thuật mới. Nhờ vậy, bác sĩ trẻ tại FV có điều kiện học hỏi kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào việc điều trị cho bệnh nhân trong nước.
Không dừng lại ở đó, trong vai trò người đứng đầu khoa Tim mạch, bác sĩ Tuấn còn tích cực triển khai các hội thảo chuyên môn tầm cỡ quốc tế cho cộng đồng y khoa Việt Nam.
Năm 2022, Bệnh viện FV phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai tổ chức thành công hội thảo “Các kỹ thuật ưu việt trong điều trị bệnh lý tim mạch” quy tụ hơn 200 khách tham dự là bác sĩ tim mạch, nội khoa, cấp cứu, bác sĩ nội trú tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Hội thảo được đánh giá cao khi quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành Tim mạch Việt Nam cùng chuyên gia quốc tế, do bác sĩ Tuấn kết nối và mời tham dự. Thông qua các hội thảo tim mạch tầm cỡ, bác sĩ Tuấn mong muốn tạo điều kiện để cộng đồng y khoa cập nhật tiến bộ mới trong điều trị tim mạch, từ đó mang đến cơ hội nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam.
“Tôi luôn trăn trở làm sao để các bác sĩ trẻ không chỉ tại FV mà còn ở cơ sở khác được tới đây học hỏi, bắt nhịp công nghệ lẫn chuyên môn. Chúng tôi đang bắt tay vào kế hoạch xây dựng khoa Tim mạch thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhận đào tạo các bác sĩ nội trú, sau đó là sinh viên y khoa thực tập để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y”, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Tâm huyết, năng nổ, luôn đau đáu với những sáng kiến đóng góp cho sự phát triển chung của lĩnh vực tim mạch nước nhà là điều mà các đồng nghiệp nhận thấy ở TS.BS Hồ Minh Tuấn. Nói về TS.BS Hồ Minh Tuấn, TS.BS Đỗ Trọng Khanh – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV – hóm hỉnh: “Người nói không hay nhưng làm được và làm giỏi”. Còn trong mắt các đồng nghiệp, vị Trưởng khoa Tim mạch là người có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng đối mặt khó khăn và luôn sát cánh với tập thể.
Vội vã kết thúc buổi trò chuyện ngay khi nhận được cuộc gọi thông báo có ca cấp cứu tim mạch, bác sĩ Tuấn lao vào phòng Cathlab để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Nhìn cách bác sĩ chăm chú nghiên cứu bệnh án, phân công ê-kíp mổ, chúng tôi hiểu hơn về một người thầy thuốc đã dành trọn tâm huyết và cuộc đời cho lĩnh vực tim mạch.