Trên các hành lang của FV vào những buổi sáng gần đây thường nhộn nhịp hơn vì nhiều bóng áo blouse trắng của bác sĩ trẻ. Các bạn đến đây để bước những bước đầu vào y đạo, bằng sự háo hức của tuổi trẻ và với lý do của riêng mỗi người. Nhưng ở đó, cũng có bạn đến học tập tại FV như một hành trình quay về nơi thân thuộc.
Ký ức về y học quốc tế
Ngày đó, Thế Danh chỉ mới 5 tuổi, nhập viện với một khối bướu ở cổ chân. Nhà Danh sinh sống không gần Quận 7, nhưng tin tưởng vào nền y học Pháp, cũng như mong muốn tìm nơi điều trị tốt nhất cho con – gia đình Danh đã lựa chọn bệnh viện quốc tế duy nhất ở miền Nam lúc đó – Bệnh viện FV. “Tuy còn bé, nhưng mình vẫn nhớ FV là một nơi rất đẹp và bây giờ vẫn không khác nhiều so với hồi đó”, Danh nói.
Câu chuyện đã xảy ra 20 năm trước, nhưng căn phòng mổ tràn ánh sáng, cảm giác yên bình khi bác sĩ gây mê lúc ấy (bác sĩ Frederic Potie – Nguyên Trưởng khoa Gây mê hồi sức) và điều dưỡng đến hỏi thăm trước ca phẫu thuật vẫn nguyên vẹn trong ký ức cậu bé. Trong tất cả những ấn tượng của ngày xưa ấy, thì đôi mắt hiền hậu và cái tên bác sĩ Serge Courtois (Nguyên Trưởng khoa Chấn thương chỉnh), có lẽ là in sâu nhất đối với Danh.
Bác sĩ Danh đang thực hành kỹ thuật đặt nội khí quản dưới hướng dẫn của bác sĩ Trưởng khoa Gây mê hồi sức
Với tuổi thơ “hiếm hoi” bị bệnh của mình, thì ký ức từ thời gian được điều trị và chăm sóc ân cần tại FV đã khắc sâu trong lòng cậu bé ngày trước, trở thành nguồn cảm hứng để bạn nuôi dưỡng giấc mơ làm bác sĩ. “Mình chọn đến FV thực hành vì nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chắc chắn còn vì ấn tượng của ký ức ấy”, Thế Danh chia sẻ.
Từ ngắm nhìn từ xa đến tiếng gọi của “Y Đức”
Khác với người đồng môn, Đoan Trinh đến FV lần đầu vào những năm cuối tại trường y. Trinh chia sẻ: “Trước đó mình từng đi qua FV nhiều lần, nhìn bên ngoài FV rất đẹp, mình cũng tự hỏi bên trong bệnh viện quốc tế thì việc trị bệnh có gì khác biệt không?”. Câu hỏi đó vẫn theo bạn suốt thời gian dài, cho đến một ngày biến cố xảy đến.
Một lần đang thực tập tại một bệnh viện lớn, Trinh phải nhập viện trong tình trạng đau bụng cấp. Nằm một mình ở phòng cấp cứu đông đúc, không người thân và phải chờ đợi chỉ định điều trị, cô bác sĩ trẻ mong muốn có nơi chăm sóc và giải quyết nhanh vấn đề của mình. Hình ảnh bệnh viện quốc tế mà Trinh đã nhiều lần nhìn ngắm hiện lên trong cô và Trinh xin được chuyển sang FV ngay trong đêm. Nỗi mệt mỏi và hoang mang ban đầu nhanh chóng được xoa dịu khi Trinh tiếp xúc với đội ngũ y bác sĩ tại FV.
Dù đã là sinh viên y khoa năm cuối, từng tiếp xúc nhiều môi trường điều trị khác nhau, nhưng lần đầu tiên nằm viện trong vai trò một bệnh nhân, Trinh mới thấm thía sâu sắc thế nào là sự an tâm mà một người bệnh cần được trao gửi. “Được đối thoại về cách điều trị, đến cả bữa ăn; lại được các chị điều dưỡng chăm sóc tận tình, mình nghĩ quyết định chuyển viện lúc đó thật chính xác”, Trinh nhận định.
“Niềm tin vào y đức” – câu nói đã giúp Trinh có những suy nghĩ mới về nghành y
Trinh nhớ những tối nằm viện, bạn thường đi dạo ở sảnh chính và ánh mắt luôn dừng lại ở dòng chữ “Niềm tin vào y đức” in dưới logo bệnh viện – một câu nói tưởng chừng đơn giản nhưng đầy sức nặng. “Những hôm đó mình đã về xem lại những bài học về ‘y đức’ và nhận thấy trải nghiệm điều trị ở FV đã tác động rất lớn đến mình. Vì vậy mình đã chờ đợi cơ hội để đến FV học tập”, Trinh chia sẻ một cách tự hào.
Cơ hội trưởng thành ở môi trường y tế tiêu chuẩn JCI
Chương trình thực hành tại FV được thiết kế không đơn thuần là khóa huấn luyện kỹ năng hành nghề y. Theo bác sĩ Vũ Trường Sơn (Giám đốc Y khoa), chương trình còn chú trọng bồi dưỡng giá trị y đức, tính nhân văn và trách nhiệm xã hội, thông qua những hoạt động cụ thể. “Ở FV, chúng tôi quan niệm việc điều trị không phải là chữa bệnh, mà là chữa con người. Một bác sĩ giỏi, ngoài nắm rõ y thuật thì còn phải biết thấu cảm với người bệnh”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Sau những năm tháng miệt mài học tập, Thế Danh và Đoan Trinh đều chọn quay trở lại FV – nơi từng chữa lành và gieo vào họ hạt mầm niềm tin thuở trước. Khi biết bệnh viện mở chương trình thực hành lâm sàng cho bác sĩ trẻ, cả hai đều không chút do dự trước cơ hội học hỏi, thử thách bản thân và tri ân tại nơi mình có trải nghiệm rất thực tế về chăm sóc y tế.
Một buổi học với các bác sĩ tại Sản Phụ khoa
Những ngày đầu thực hành thật không dễ dàng. Dù mang theo động lực lớn, Thế Danh, Trinh và hơn 20 bác sĩ thực tập cũng trang lứa, vẫn phải nỗ lực thích nghi với nhịp độ làm việc khắt khe, văn hóa chuyên nghiệp và kỳ vọng cao từ một bệnh viện được Tổ chức JCI chứng nhận chất lượng. Nhưng cũng chính môi trường này đã giúp họ lớn lên từng ngày, không chỉ về chuyên môn mà cả thái độ nghề nghiệp.
“Tiêu chuẩn tốt bảo vệ bạn khỏi những trải nghiệm kém”, Trinh thích câu nói đó và bạn nhận thấy từ chiếc giường bệnh nhân đến sổ tay bác sĩ thực tập, đâu đâu cũng có những chuẩn mực để đảm bảo mọi người luôn kiếm được “điều cần tìm” tại FV. Giống như Trinh, nhiều hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình Thực hành cũng mong muốn tìm hiểu về “tiêu chuẩn quốc tế”, để so sánh, thay đổi cách tiếp cận và thu nhận những thực hành chuẩn mực để chuẩn bị cho bước đầu nghề y.
Một buổi trình chuyên đề theo nhóm nhỏ với sự hướng dẫn của bác sĩ Dung (Khoa Nhi & Nhi sơ sinh)
Điều phối chương trình – chị Đông Phương – nhớ rõ từng thử thách khi tổ chức đợt đào tạo đầu tiên: từ xoay xở lịch trình đến đảm bảo cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực. Nhưng chị nói, niềm vui lớn nhất là giúp các bác sĩ trẻ có cơ hội tiếp cận với chương trình học chuyên nghiệp và nhân văn. “Ngoài chương trình chuẩn của Sở Y tế, các bạn còn được điều chỉnh lịch học theo nguyện vọng, các bác sĩ FV lại rất nhiệt tình hướng dẫn và bổ sung những kiến thức hiện đại.”, chị Đông Phương chia sẻ về cách tổ chức của chương trình đào tạo thực hành tại FV.
Nhiều bác sĩ thực tập nhận xét, chọn theo đuổi chứng chỉ hành nghề y tại FV là một quyết định rất xứng đáng
Thật thú vị khi trong một khoảnh khắc nào đó, Thế Danh có thể nhận ra sự thân quen của phòng mổ – nơi mình từng chìm vào giấc ngủ và tỉnh dậy khỏe mạnh – bây giờ lại là nơi mình đứng cạnh bệnh nhân và học cách giúp họ có một “giấc ngủ an toàn”. Đối với Đoan Trinh, thì hành trình tại FV lại rất duyên, khi bác sĩ Thái, bác sĩ Tiềm – những người từng điều trị cho bạn – giờ lại là người thầy, người anh hướng dẫn bạn về y thuật và chia sẻ về “niềm tin y đức” tại FV.
Tất cả những điều ấy làm Chương trình thực hành tại FV bên cạnh là một khóa đào tạo, thì còn là nơi truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ và khơi gợi lại lý do ban đầu cho những người đã chọn nghề y. Như rất nhiều các bác sĩ trẻ đang miệt mài trau dồi và phấn đấu mỗi ngày trong chương trình thực hành, họ không chỉ mong muốn làm một bác sĩ giỏi, mà đâu đó còn hy vọng được trở thành người bác sĩ mà mình từng gặp trong những hồi ức đẹp – những con người tận tâm, đáng tin cậy và tử tế.