Dự án chuyển đổi mô hình làm việc từ thủ công sang tự động hóa hoàn toàn tại Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu – Bệnh viện FV, đã triển khai từ đầu năm 2023. Anh Friend Maviza (Trưởng Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu) nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện chất lượng dịch vụ, họ đã xác định các yêu cầu chính của phòng thí nghiệm, làm việc với nhiều nhà cung cấp uy tín và đã có những bước đi rõ ràng cho tương lai.
Tiết kiệm thời gian chờ kết quả cho bệnh nhân
Trước đây khi hệ thống tự động hóa chưa được sử dụng, tính từ thời điểm mẫu được giao về Khoa Xét nghiệm, trong vòng 45 phút thì các chuyên viên chỉ có thể xử lý được khoảng 35 – 40% kết quả. “Sau khi triển khai tự động hóa, chúng tôi hiện đang xử lý được khoảng 80 – 90% kết quả với cùng khoảng thời gian ấy”, anh Friend cho biết. Điều này cho thấy hiệu suất làm việc được tăng gấp đôi và sẽ giúp giảm đáng kể thời gian báo cáo kết quả xét nghiệm đến các bác sĩ.
Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu được đầu tư nhiều hệ thống công nghệ mới
Hệ thống được Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu đầu tư sử dụng thuộc hãng Beckman Coulter – một trong những nhà cung cấp hệ thống tự động hóa hàng đầu trong lĩnh vực xét nghiệm và chẩn đoán trên thế giới. Dòng máy DxA5000fit đồng thời cũng là hệ thống tự động đầu tiên được lắp đặt tại khu vực Đông Dương.
Anh Friend đang hướng dẫn các thao tác làm việc với hệ thống DxA5000fit
Thông qua DxA5000fit, một quy trình làm việc mới đang hình thành tại Khoa Xét nghiệm. Bắt đầu sau khi mẫu bệnh phẩm được tiếp nhận (1) tại đây, hệ thống sẽ tiến hành kiểm tra mã vạch (2) xác định thông tin bệnh nhân và phân loại xét nghiệm (3). Tiếp đến là bước kiểm tra tình trạng mẫu (4) nhằm đánh giá độ phù hợp, trước khi tiến hành bước ly tâm mẫu (5) để tách các thành phần. Sau cùng hệ thống sẽ tiến hành xét nghiệm (6), kiểm tra kết quả (7), đánh giá hoặc yêu cầu tái xét nghiệm (8), trước khi đưa ra báo cáo sau cùng cho các bác sĩ (9).
Quy trình phức tạp bao gồm 9 bước này, giờ đây đã có thể triển khai một cách nhanh và gọn tại Khoa Xét nghiệm. Nhờ vào sự tự động, chất lượng kết quả xét nghiệm có thể được cải thiện đáng kể so với các phương pháp thủ công truyền thống.
Một số bước trong quy trình thủ công sẽ dần được thay thế
Từng có thời điểm Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu mỗi ngày phải đánh giá, kiểm tra khoảng 3000 kết quả xét nghiệm. Tất cả đều áp dụng phương pháp thủ công. Hiện nay 95% xét nghiệm đã được thực hiện tự động, kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ hóa với hồ sơ bệnh án điện tử của từng bệnh nhân, mà không cần sự can thiệp của con người. Nhờ quy trình mới, kết quả được chuyển đến bác sĩ điều trị nhanh hơn, đồng thời giảm thiểu các sai sót trong quá trình chuyển tiếp kết quả giữa nhiều nơi và qua nhiều người.
Kết quả xét nghiệm chính xác hơn nhờ công nghệ phân tích tự động
Anh Friend giải thích: “Một trong những lợi ích chính của tự động hóa là giảm rủi ro của lỗi do con người gây ra trong quá trình kiểm tra”. Hệ thống sẽ tiêu chuẩn hóa một số bước quan trọng, giúp loại bỏ nguy cơ lỗi như thiếu sót ở bước kiểm tra và xử lý dữ liệu. Ngoài lợi ích giảm thời gian xét nghiệm và lỗi do con người, hệ thống còn giúp cải thiện tính nhất quán và chính xác của dữ liệu trong quy trình kiểm tra. Tất cả kết quả xét nghiệm được chuẩn hóa và kiểm tra một cách nghiêm ngặt, cùng một quy trình, trước khi báo cáo cuối cùng được đưa ra.
Các chuyên viên dễ dàng kiểm tra độ chuẩn hóa của xét nghiệm thông qua dữ liệu tự động
Anh Friend cho biết, hệ thống cung cấp nhiều công cụ để các bác sĩ, chuyên gia có thể kiểm soát sự chuẩn hóa của xét nghiệm trước khi phát hành báo cáo. Ngoài khả năng kiểm soát độ chuẩn của các mẫu xét nghiệm, hệ thống còn thực hiện xác minh các thông số và tình trạng thiết bị, số liệu quản lý chất lượng, so sánh giá trị vừa xét nghiệm với dữ liệu tiền sử của bệnh nhân, theo dõi những thay đổi đáng kể trong số liệu,… qua đó đưa ra một báo cáo tổng quan và chính xác, hơn là đơn thuần dựa vào kết quả của chỉ lần kiểm tra hiện tại.
Quy trình kiểm tra toàn diện, nghiêm ngặt này đảm bảo kết quả đáng tin cậy cho tất cả các xét nghiệm, được đồng bộ cho các các mẫu tại phòng xét nghiệm FV hoặc phòng xét nghiệm tại Phòng khám Đa khoa FV Sài Gòn (FVC). “Hãy tưởng tượng việc bạn có thể nhận được ly cà phê cùng hương vị tại bất kỳ quán Starbucks nào. Đó là mức độ chuẩn hóa mà chúng tôi hướng đến với hệ thống tự động hóa này”, anh Friend lý giải.
Các báo cáo liên tục được cập nhật, giúp các chuyên gia kiểm soát tốt toàn bộ các xét nghiệm đang thực hiện
Thời điểm hiện tại, Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng máu đang triển khai nhiều kế hoạch để có thể “làm chủ hoàn toàn” hệ thống DxA5000fit. Trong đó bao gồm vấn đề đào tạo và chuẩn bị cho nhân sự, thay đổi một số mô hình làm việc, tích hợp hệ thống xét nghiệm với hệ thống hồ sơ bệnh án và tăng cường bảo mật,… cũng như để xuất các giải pháp về chính sách và cân đối chi phí hợp lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đây hoàn toàn có thể được xem là một bước chuyển mình quan trọng của đơn vị xét nghiệm tại FV.
Dự án chuyển đổi từ thủ công sang tự động hóa hoàn toàn tại Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu, bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và bệnh viện. Với việc cải thiện tốc độ xử lý kết quả xét nghiệm và tăng độ chính xác, nhất quán và đồng bộ trong dữ liệu, dự án đã thể hiện sự cam kết của FV đối với việc cải thiện chất lượng dịch vụ và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng một cách hiệu quả nhất.
Đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của hệ thống tự động hóa đến quy trình làm việc của các chuyên viên xét nghiệm, anh Friend Maviza chia sẻ: “Trong bất kỳ quá trình thay đổi tự động hóa nào, nhiều nhân viên có thể cảm thấy bất an về việc vai trò của mình sẽ bị máy móc thay thế. Do đó, rất cần thiết khi chúng tôi cập nhật cho nhân viên về quy trình làm việc đổi mới, về vai trò của họ sẽ được nâng cao hơn và dành cho các nhiệm vụ quan trọng hơn, trong khi tự động hóa sẽ xử lý các nhiệm vụ đơn giản còn lại”. |