Tuần lễ Nhận thức về Kháng sinh trên Thế giới (World Antimicrobial Awareness Week – WAAW) được tổ chức từ 18 – 24/11 hàng năm, với mục đích nhắc nhở và nâng cao nhận thức về vấn đề kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu. Bệnh viện FV tiếp tục hưởng ứng sự kiện nhằm chia sẻ thông tin về tầm quan trọng của việc sử dụng đúng kháng sinh trong cộng đồng nói chung và trong y tế nói riêng để cùng hành động, ngăn chặn sự xuất hiện của các chủng vi sinh vật kháng thuốc nguy hiểm trong tương lai.
Tác hại của tình trạng kháng kháng sinh
Kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng vẫn sinh trưởng, dù có sự hiện diện của một loại thuốc, mà thường có thể giết chết hoặc hạn chế sự phát triển của chúng trong cơ thể. Kết quả là các thuốc điều trị thông thường không còn hiệu quả. Tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị tăng và nguy cơ tử vong cao hơn. Do tình trạng kháng kháng sinh nên các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao ngày càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.
Vào tháng 5/2015, kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh trên toàn cầu, đã được thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và nhất là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Không ít người sẽ ngạc nhiên khi biết, sự kiện toàn cầu này được sự ủng hộ tích cực từ FAO và OIE. Trên thực tế, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh không đúng trong điều trị bệnh ở người chỉ là một phần nguyên nhân gây kháng thuốc. Một nguyên nhân lớn khác dẫn đến kháng kháng sinh là từ nguồn thực phẩm, đặc biệt từ thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản. Thuốc kháng sinh được đưa vào quá trình trồng trọt và chế biến thức ăn chăn nuôi, cũng như được sử dụng rộng rãi trong nuôi trồng thủy hải sản. Từ đó, vi khuẩn kháng thuốc có thể phát triển trong các sinh vật này, trước khi lây nhiễm sang con người thông qua ăn uống.
Bên cạnh 2 nguyên nhân trên, việc bệnh nhân không sử dụng đúng liều, không đúng thời gian chỉ định kháng sinh; vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, phòng khám chưa tốt; vệ sinh trong y tế còn kém,… cũng là các nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Vi khuẩn kháng thuốc sản sinh trên thành ruột người sử dụng kháng sinh, trong điều kiện kiểm soát nhiễm khuẩn kém, vi khuẩn này sẽ có khả năng lây lan ra cộng đồng. WHO cho biết trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tình trạng kháng thuốc còn nghiêm trọng hơn nữa. Dự đoán của WHO đến năm 2050 kháng kháng sinh không khác gì một đại dịch, và thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do tác nhân này.
“Lan truyền nhận thức, đẩy lùi kháng thuốc”
Dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hạn chế vấn đề kháng thuốc, từ y tế cho đến tuyên truyền về dùng kháng sinh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Việt Nam vẫn nằm trong nhóm báo động tại Châu Á – Thái Bình Dương về tình trạng này. WHO xác nhận, bán kháng sinh tràn lan không cần toa, kê toa kháng sinh không phù hợp và người bệnh lạm dụng kháng sinh, là những khó khăn lớn trong y tế mà Việt Nam phải đối mặt. Đó là chưa kể đến việc nâng cao nhận thức đến các ngành liên quan tới kháng kháng sinh như: môi trường, chăn nuôi, nông nghiệp, chế biến thực phẩm,… đang gặp rất nhiều trở ngại.
Năm 2021, với khẩu hiệu “Lan truyền nhận thức, đẩy lùi kháng thuốc”, tuần lễ Nhận thức về Kháng sinh trên Thế giới tiếp tục hướng đến mục tiêu giúp nhiều người trong nhiều ngành, nhiều giới có thêm nhận thức về mức độ nguy hiểm của kháng thuốc, cũng như hiện trạng rất khó khăn trong cuộc chiến dài hạn với nó. Kháng kháng sinh là câu chuyện của toàn cầu và trách nhiệm thuộc về mỗi người. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia, tổ chức y tế trên thế giới để xây dựng các phương án vừa tuyên truyền tốt, vừa giúp hạn chế tình trạng kháng thuốc trong nước.
Từ những ngày đầu hoạt động, Bệnh viện FV đã đặc biệt quan tâm đến tình trạng kháng kháng sinh đối với bệnh nhân. Với việc đạt chứng nhận JCI năm 2016, FV càng xây dựng nhiều chương trình để kiểm soát chặt chẽ hơn việc kháng thuốc. Ông Mohd Fazli Shuib (Trưởng Khoa Dược – Bệnh viện FV) cho biết: “FV thiết lập một Chương trình Quản lý Kháng sinh với sự tham gia của nhiều khoa phòng, áp dụng các biện pháp đã được thực nghiệm, tiêu chuẩn hóa và có thể đo lường được để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh trong chỉ định điều trị”. Chương trình này được xây dựng dựa trên các quy định do Bộ Y tế ban hành, các tiêu chuẩn chất lượng từ JCI và CDC Hoa Kỳ trong việc quản lý thuốc kháng sinh tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, liên tục từ năm 2016 đến nay, FV đều đặn tổ chức tuần lễ Nhận thức về Kháng sinh trên Thế giới, với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng cả trong và ngoài bệnh viện, về thực trạng đáng báo động này. Trên thực tế, để chống lại tình trạng kháng thuốc thì không thể chỉ phụ thuộc vào lĩnh vực y tế. Do đó, với những cố gắng của mình, FV hy vọng đã và đang truyền tải đến nhiều người về thực trạng kháng thuốc tại Việt Nam và trên thế giới.