Ung thư dạ dày là loại ung thư khá phổ biến. Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng. Bài viết 5 điều cần biết về ung thư dạ dày mà bạn đang xem do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn.
UNG THƯ DẠ DÀY LÀ GÌ?
Dạ dày nằm ở phần trên của bụng, là một phần của hệ tiêu hoá, tiếp nối giữa thực quản và ruột non. Dạ dày có chức năng chứa thức ăn, giúp hoà trộn các thức ăn và tiết ra các chất dịch giúp cho việc tiêu hoá.
Ung thư dạ dày thường xảy ra khi các tế bào ở lớp bên trong của dạ dày phát triển và phân chia tế bào vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Theo thời gian, các tế bào này tạo thành khối u tại chổ, sau đó khối ung thư có thể lan sâu vào thành của dạ dày, rồi lan xa đến những cơ quan khác của cơ thể (gọi là di căn).
Dưới đây là 5 điều cần biết về ung thư dạ dày:
1.CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori
- Chế độ ăn mặn và các thức ăn xông khói
- Ít ăn trái cây và rau quả
- Hút thuốc
- Nghiện rượu nặng
Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ nếu nghĩ rằng mình có nguy cơ mắc bệnh cao
2.DẤU HIỆU VÀ TRIỆU CHỨNG CỦA UNG THƯ DẠ DÀY LÀ GÌ?
Ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu hay triệu chứng rõ ràng. Dưới đây là một vài triệu chứng của ung thư dạ dày (mặc dù những triệu chứng này cũng có thể gây ra bởi những bệnh lý khác) :
- Đau bụng trên hay đau vùng dạ dày
- Thường xuyên bị khó tiêu
- Tiêu phân đen
- Buồn nôn hay nôn ói
- Thiếu máu
- Chán ăn và/hoặc sụt cân
Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ khi có bất cứ các triệu chứng nào kể trên. Ung thư dạ dày có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
3.LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH UNG THƯ DẠ DÀY?
Có hai cách để phòng tránh ung thư dạ dày:
- Tránh ăn thức ăn mặn, thức ăn xông khói, tránh uống nhiều rượu hay ăn nhiều thực phẩm ngâm chua
- Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt
4. LÀM THỂ NÀO ĐỂ CHẨN ĐOÁN BỆNH UNG THƯ DẠ DÀY?
- Nội soi: bác sĩ sẽ sử dụng một ống nội soi (ống mềm có gắn camera nhỏ ở đầu ống) để quan sát trong lòng dạ dày của bệnh nhân. Ống nội soi sẽ được luồn qua miệng bệnh nhân đế đến dạ dày. Khảo sát này chỉ cần 15 phút và không gây đau. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc an thần nếu cần khi thực hiện khảo sát.
- Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô (sinh thiết) để làm xét nghiệm tế bào học
- Nếu tế bào ung thư được phát hiện, bước tiếp theo cần được thực hiện là chụp CT để xem ung thư có lan đến các cơ quan nội tạng khác hay không.
5. CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ?
Có nhiều phương pháp điều trị tùy theo từng giai đoạn của ung thư dạ dày, tùy theo vị trí của tổn thương cũng như tùy theo tổng trạng của bệnh nhân. Ba phương pháp điều trị chính bao gồm: phẫu thuật, xạ trị và hoá trị.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu (khi tổn thương chỉ khu trú trong phạm vi dạ dày). Phương pháp phẫu thuật thường áp dụng nhất là cắt bỏ dạ dày
Có hai loại phẫu thuật cắt bỏ dạ dày:
- Cắt bỏ một phần dạ dày. Phần dạ dày còn lại sẽ được khâu nối lại với ruột non
- Cắt bỏ toàn phần dạ dày. Ruột non sẽ được khâu nối trực tiếp với thực quản
Các hạch bạch huyết ở gần dạ dày cũng sẽ được bác sĩ cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật để đạt được kết quả tốt nhất.
Trong trường hợp khối u quá lớn, không thể cắt bỏ được, có thể thực hiện phẫu thuật nối thông dạ dày với hỗng tràng. Giải pháp này chỉ nhằm giúp giảm bớt các triệu chứng nhưng không điều trị bệnh lý ung thư.
Chế độ ăn uống sau phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày
Ruột non thực hiện phần chính trong việc tiêu hoá thức ăn. Dạ dày chỉ là chỗ chứa thức ăn. Vì lý do đó, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục ăn bình thường sau phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ cảm thấy bớt ngon miệng sau khi phẫu thuật. Bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên ăn thành nhiều bữa với lượng ít mỗi lần. Chuyên viên về dinh dưỡng sẽ cung cấp thêm cho bệnh nhân những lời khuyên về chế độ ăn.
Hoá trị
Hoá trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư cũng như làm giảm kích cỡ của khối u. Bác sĩ có thể cho hoá trị đơn thuần hay kết hợp hoá trị với xạ trị trước hoặc sau khi phẫu thuật. Đây cũng là phương pháp điều trị được lựa chọn dành cho những bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật.
Thuốc dùng trong hoá trị sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch. Ngày nay, vài loại thuốc dùng để hoá trị có thể được sử dụng qua đường uống. Khi thuốc được truyền vào máu, thuốc sẽ phát huy tác dụng lên toàn bộ cơ thể. Hoá trị thường đòi hỏi nhiều đợt điều trị. Thông thường bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc trong quá trình hoá trị.
Xạ trị
Xạ trị là việc sử dụng tia X-quang năng lượng cao hay các loại tia bức xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay giúp ngăn chặn các tế bào ung thư phát triề̉n. Bệnh nhân không cần phải nằm viện. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh lý mà bác sĩ điều trị sẽ áp dụng phương pháp xạ trị phù hợp.
Xạ trị kết hợp với hoá trị thường được ứng dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại mà bác sĩ không thể lấy ra hết trong quá trình phẫu thuật. Xạ trị cũng có thể giúp cải thiện các triệu chứng trong trường hợp bệnh lý ung thư tiến triển.
Bệnh nhân ung thư dạ dày cần hỗ trợ gì?
Bệnh nhân vui lòng trao đổi với bác sĩ điều trị hay điều dưỡng nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến việc điều trị. Nhân viên y tế của bệnh viện FV sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ bệnh nhân.
(Thông tin trên tờ rơi này chỉ mang tính hướng dẫn chứ không thay thể các khuyến cáo từ bác sĩ điều trị của bệnh nhân. Vui lòng tham khảo với bác sĩ điều trị nếu bệnh nhân có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến phẫu thuật, đến sức khoẻ của mình cũng như trong những lần thăm khám).