Ung Thư Vòm Họng
Ung thư vòm họng hay còn được gọi là ung thư vòm hầu, nằm ở khu vực phía sau khoang mũi và phần trên của họng.
Ung thư vòm họng rất khó để phát hiện sớm vì vùng vòm họng không dễ dàng để kiểm tra và triệu chứng cũng gần giống với những triệu chứng của bệnh thông thường khác.
Điều trị ung thư vòm họng thường bao gồm xạ trị, hóa trị hoặc kết h ợp cả hai phương pháp. Bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ của mình để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.
- Cổ họng (họng) là ống cơ chạy từ phía sau mũi xuống cổ.
- Họng có ba phần: Họng mũi, họng miệng, họng thanh quản còn được gọi là hạ họng.
Các Triệu Chứng
Ung thư vòm họng có thể chưa có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Những triệu chứng có thể nhận biết của ung thư này gồm có:
- Một khối u ở cổ do hạch bạch huyết phình to
- Nước bọt có máu
- Chảy máu mũi
- Nghẹt mũi
- Suy giảm thính lực (điếc)
- Thường bị nhiễm trùng tai
- Đau đầu
Khi nào cần gặp bác sĩ
Những triệu chứng của ung thư vòm họng giai đoạn sớm có thể không làm cho bệnh nhân phải đi gặp bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cảm thấy cơ thể có những thay đổi bất thường và dai dẳng như nghẹt mũi bất thường, hãy đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân
Ung thư bắt đầu khi có một hoặc nhiều đột biến gen xảy ra khiến cho những tế bào bình thường tăng trưởng vượt mức kiểm soát, xâm lấn những cấu trúc xung quanh và thậm chí lan đến (di căn) những cơ quan khác của cơ thể. Trong ung thư vòm họng, tiến trình này bắt đầu xảy ra ở những tế bào vảy, phủ trên bề mặt mũi họng.
Hiện nay người ta vẫn chưa xác định chính xác điều gì gây đột biến gen dẫn đến ung thư vòm họng, nhưng việc nhiễm vi rút Epstein-Barr được xem là có liên quan đến sự phát triễn của ung thư vòm họng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vì sao một số người có đủ mọi yếu tố nguy cơ lại không bị ung thư vòm họng, trong khi đó, có người không có những yếu tố nguy cơ rõ ràng lại bị ung thư.
Những yếu tố nguy cơ
Các nhà nghiên cứu đã xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vòm họng, bao gồm:
- Giới tính. Ung thư vòm họng thường gặp ở nam hơn ở nữ.
- Chủng tộc. Đây là loại ung thư thường xảy ra với người châu Á và Bắc Phi
- Tuổi. Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng hầu hết được chẩn đoán ở người trưởng thành từ 30 đến 50 tuổi.
- Thực phẩm ướp muối. Các hóa chất được phóng thích thành hơi khi nấu những thức ăn có ướp muối như cá muối và rau quả bảo quản, hơi này có thể đi vào khoang mũi làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Tiếp xúc với những hóa chất này từ khi còn nhỏ tuổi có thể thậm chí làm tăng nguy cơ nhiều hơn.
- Vi rút Epstein-Barr. Loại vi rút phổ biến này thường gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ, như những dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh. Đôi khi vi rút này có thể gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Vi rút Epstein-Barr cũng có liên quan đến vài loại ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư vòm họng.
- Tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có một người mắc thì nguy cơ bị bệnh này cũng tăng.
Các biến chứng
Biến chứng ung thư vòm họng có thể bao gồm:
- Ung thư phát triển xâm lấn những cấu trúc lân cận. Ung thư vòm họng giai đoạn muộn có thể gây ra biến chứng nếu ung thư phát triển đủ lớn để xâm lấn những cấu trúc lân cận như họng, xương và não.
- Ung thư có thể lan sang những khu vực khác của cơ thể. Thường lan (di căn) xa hơn mũi họng. Hầu hết những người bị ung thư vòm họng đều có di căn vùng. Có nghĩa là các tế bào ung thư trong khối u ban đầu di chuyển sang những khu vực kế cận như hạch bạch huyết ở cổ. Tế bào ung thư có thể lan đến những phần khác của cơ thể (di căn xa) thường là di căn đến xương, phổi, và gan.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư vòm họng bao gồm:
- Thăm khám. Chẩn đoán ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng thăm khám tổng quát. Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những triệu chứng. Bác sĩ có thể ấn vào cổ bệnh nhân để biết hạch bạch huyết có bị phình to hay không.
- Sử dụng camera để kiểm tra bên trong mũi họng bệnh nhân. Nếu nghi ngờ có ung thư vòm họng, bác sĩ có thể đề nghị nội soi mũi. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng một ống nhỏ, mềm có gắn camera ở đầu để nhìn thấy bên trong mũi họng của bệnh nhân và tìm những bất thường. Camera này có thể được đưa qua mũi hoặc qua phần hở ở phía sau họng để đi lên vòm họng. Nội soi mũi có thể cần phải gây tê tại chỗ để thực hiện.
- Thủ thuật lấy mẫu mô nghi ngờ ung thư. Bác sĩ cũng có thể sử dụng ống nội soi hoặc dụng cụ khác để lấy ra một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để xét nghiệm ung thư.
Xét nghiệm để xác định giai đoạn ung thư
Khi đã chẩn đoán xác định ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm những xét nghiệm khác để xác định mức độ (giai đoạn) ung thư, chẳng hạn như các xét nghiệm hình ảnh. Xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm chụp quét cắt lớp điện toán (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp xạ hình cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) và X quang.
Khi bác sĩ đã xác định được mức độ ung thư, thì giai đoạn ung thư sẽ được biểu thị bằng một chữ số La Mã. Giai đoạn ung thư và nhiều yếu tố khác được dùng để quyết định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Nếu chữ số La Mã thấp có nghĩa là ung thư còn nhỏ và chỉ giới hạn trong mũi họng. Chữ số lớn hơn có nghĩa là ung thư đã lan rộng ra khỏi mũi họng đến hạch bạch huyết ở cổ hoặc những khu vực khác của cơ thể. Các giai đoạn của ung thư vòm họng được xếp từ I đến IV.
Điều trị
Bác sĩ và bệnh nhân cùng trao đổi với nhau để chọn kế hoạch điều trị dựa vào nhiều yếu tố như giai đoạn ung thư, mục tiêu điều trị, thể trạng của bệnh nhân và những tác dụng phụ mà bệnh nhân có thể chịu đựợc. Điều trị ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng bằng xạ trị hoặc phối hợp xạ trị và hóa trị.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng các tia năng lượng cao như tia X để phá hủy tế bào ung thư. Xạ trị ung thư vòm họng thường được thực hiện theo một phương pháp được gọi là chiếu tia ngoài. Khi xạ trị, bệnh nhân nằm dài trên một bàn phẳng, máy xạ xoay chuyển xung quanh phát tia nhắm đúng vào vị trí ung thư của bệnh nhân.
Đối với những khối u vòm họng nhỏ, xạ trị có thể là liệu pháp duy nhất cần phải thực hiện. Trong những trường hợp khác, có thể kết hợp xạ trị với hóa trị.
Xạ trị có nguy cơ gây ra những tác dụng phụ, bao gồm đỏ da tạm thời, suy giảm thính lực và khô miệng.
Một loại xạ trị khác, là hình thức chiếu tia bên trong (liệu pháp tia phóng xạ để gần), đôi khi được sử dụng trong ung thư vòm họng tái phát. Với trị liệu này, những hạt phóng xạ hoặc dây phóng xạ được đặt vào trong khối u hoặc rất gần với khối u.
Hóa trị
Hóa trị là một điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể là thuốc viên, hoặc được tiêm qua tĩnh mạch hoặc cả hai. Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư vòm họng bằng ba phương pháp:
- Hóa trị được thực hiện cùng lúc với xạ trị. Khi hai phương pháp này được kết hợp, hóa trị có thể làm tăng hiệu quả của xạ trị. Điều trị kết hợp được gọi là liệu pháp đồng thời hay xạ hóa trị, Tuy nhiên tác dụng phụ của hóa trị cộng thêm tác dụng phụ của xạ trị, làm cho liệu pháp đồng thời này trở nên khó chịu đựng hơn.
- Hóa trị sau xạ trị. Bác sĩ có thể đề nghị hóa trị sau xạ trị hoặc sau liệu pháp đồng thời. Hóa trị được dùng để tiêu diệt bất cứ tế bào ung thư nào còn lại trong cơ thể, kể cả những tế bào ung thư có thể đã bị vỡ ra từ khối u ban đầu và lan đến những nơi khác. Vẫn còn một số tranh cãi về việc bổ sung hóa trị có thực sự cải thiện khả năng sống của bệnh nhân ung thư vòm họng hay không. Nhiều người đã trải qua hóa trị sau liệu pháp đồng thời không có khả năng chịu đựng được những tác phụ và phải ngưng điều trị.
- Hóa trị trước xạ trị. Hóa trị hỗ trợ mới là hóa trị được thực hiện trước xạ trị đơn thuần hoặc trước liệu pháp đồng thời. Cần nghiên cứu thêm để xác định hóa trị hỗ trợ mới có thể cải thiện tỉ lệ sống ở người bị ung thư vòm mũi họng hay không.
- Bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân được điều trị thuốc hóa trị nào và trong khoảng cách bao lâu. Những tác dụng phụ có thể xảy ra tùy thuộc vào những thuốc mà bệnh nhận được điều trị
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không được sử dụng trong ung thư vòm họng. Phẫu thuật có thể được sử dụng để cắt bỏ các hạch bạch huyết ung thư ở cổ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được sử dụng để cắt bỏ một khối u ở vòm họng. Phương pháp này, phẫu thuật viên phải thực hiện một đường rạch ở phần vòm miệng của bệnh nhân để tiếp cận khu vực có khối u nhằm cắt bỏ mô ung thư.