Va Và Phẫu Thuật Nạo Va
VA sàng lọc vi khuẩn và vi-rút xâm nhập vào mũi và tạo ra kháng thể (bạch cầu) giúp chống lại các mầm bệnh. VA thường giảm kích thước trong thời gian ở tuổi thiếu niên và có thể biến mất trong giai đoạn trưởng thành.
Nạo VA là gì?
Nạo VA là một thủ thuật thường được sử dụng để loại bỏ mô bạch huyết vòm họng. VA là khối mô bạch huyết (hình tam giác) nằm trên vòm miệng, phía sau vòm miệng nơi mũi nối với họng. Nhìn vào miệng sẽ không nhìn thấy được VA.
Nạo VA thường được thực hiện cùng với phẫu thuật cắt a-mi-đan. Viêm hô hấp và viêm họng mạn tính thường gây viêm và nhiễm trùng ở cả hai tuyến trên. Phẫu thuật kết hợp nạo VA và cắt a-mi-đan là phẫu thuật phổ biến thứ hai được thực hiện ở trẻ em.
Tại sao cần nạo VA?
Viêm họng thường xuyên có thể làm cho VA quá phát to lên gây bít đường thở và tắc vòi nhĩ ̣(Eustachian tube), là vòi nối tai giữa với mặt sau của mũi. Vòi nhĩ bị tắc gây nhiễm trùng tai, ảnh hưởng đến thính lực và tình trạng hô hấp của trẻ.
Triệu chứng viêm VA
Khi VA sưng to làm tắc nghẽn đường thở và có thể gây ra những triệu chứng sau:
- Nhiễm trùng tai thường xuyên
- Đau họng
- Nuốt khó
- Thở bằng mũi khó
- Thở bằng miệng thường xuyên
- Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (ngừng thở ngắt quãng trong khi ngủ)
Nhiễm trùng tai giữa thường xuyên do sưng VA và tắc ống nhĩ sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như mất thính lực và cũng có thể gây ra những vấn đề về khả năng nói.
Bác sĩ có thể đề nghị nạo VA nếu trẻ bị viêm tai hoặc viêm họng mạn tính mà tình trạng này:
- Không đáp ứng với điều trị kháng sinh
- Tái phát trên năm lần mỗi năm
- Tái phát trên ba lần trong thời gian hai năm
Các bước chuẩn bị trước khi nạo VA
Miệng và họng dễ chảy máu nhiều hơn những bộ phận khác của cơ thể, do đó bác sĩ sẽ đề nghị làm xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng máu đông và kiểm tra số lượng hồng cầu, bạch cầu. Xét nghiệm tiền phẫu giúp bác sĩ có thể xác định tình trạng chảy máu của bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật.
Vào tuần trước ngày phẫu thuật, không cho trẻ dùng bất cứ thuốc gì làm ảnh hưởng đến quá trình đông máu, như thuốc ibuprofen hay aspirin. Thuốc giảm đau hạ sốt (Panadol) có thể được dùng để giảm đau, nhưng nếu bạn không biết chắc loại thuốc nào có thể dùng được, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Việc thăm khám với bác sĩ tiền mê trước khi nạo VA là rất cần thiết.
Một ngày trước phẫu thuật, trẻ không được ăn hay uống từ sau nửa đêm. Nếu bác sĩ kê thuốc uống trước khi phẫu thuật, hãy cho trẻ uống thuốc với một ngụm nước nhỏ.
Nạo VA được thực hiện như thế nào?
Nạo VA được thực hiện tại khu vực ngoại trú dưới gây mê (dùng thuốc làm cho bệnh nhân ngủ sâu), bệnh nhân có thể về nhà trong cùng ngày thực hiện phẫu thuật.
Nạo VA thường được thực hiện qua đường miệng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa một dụng cụ nhỏ vào miệng của trẻ, để đỡ cho miệng mở rộng, sau đó nạo VA bằng cách rạch một đường nhỏ hoặc đốt nóng (dùng thiết bị để đốt nóng và bít khu vực nạo VA).
Đốt nóng và bít khu vực nạo VA với miếng gạc giúp kiểm soát chảy máu trong và sau phẫu thuật. Thủ thuật này không cần khâu vết thương.
Khi thủ thuật kết thúc, trẻ sẽ được đưa vào phòng hồi sức cho tới khi trẻ tỉnh lại. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giảm đau và sưng. Thông thường trẻ sẽ được xuất viện trong ngày. Thời gian hồi phục hoàn toàn sau nạo VA thường là từ một đến hai tuần.
Sau phẫu thuật nạo V.A
Sau khi nạo VA, đau họng thường sẽ kéo dài từ một đến hai tuần. Điều quan trọng là trẻ cần uống nhiều nước để tránh mất nước; cơ thể có đủ nước sẽ giúp giảm bớt cơn đau. Trong hai tuần sau phẫu thuật, không cho trẻ ăn thức ăn nóng hoặc cay hoặc thức ăn cứng và giòn. Nước mát và thức ăn nhẹ sẽ giúp họng của trẻ dễ chịu hơn.
Trong khi họng của trẻ còn đau, thì thực đơn và nước uống phù hợp gồm có:
- Nước
- Nước trái cây
- Nước Gatorade
- Nước Jell-O
- Kem
- Nước giải khát có gas
- Sữa chua
- Bánh pút-đinh
- Nước xốt táo
- Nước súp gà hoặc bò ấm
- Thịt và rau chín mềm
Chườm đá ở cổ sẽ giúp giảm đau và sưng. Bạn có thể tự làm vòng chườm đá ở cổ bằng cách cho đá viên vào túi đựng có khóa kéo và quấn túi này trong một cái khăn. Đặt vòng cổ tự làm này lên phía trước cổ của trẻ.
Trẻ nên tránh các hoạt động chạy nhảy trong một tuần sau phẫu thuật. Trẻ có thể đi học lại trong vòng ba đến bốn ngày nếu trẻ cảm thấy sẵn sàng
Những rủi ro của nạo V.A
Nạo VA thường là phẫu thuật không gây đau nhiều. Như bất kỳ loại phẫu thuật nào, những rủi ro có thể có gồm: chảy máu và nhiễm trùng ở khu vực phẫu thuật. Cũng có rủi ro liên quan đến gây mê như phản ứng do dị ứng thuốc và các vấn đề về hô hấp.
Bạn cần thông báo cho bác sĩ biết nếu trẻ bị dị ứng với bất cứ loại thuốc nào.
Kết quả
Nạo VA đã từ lâu mang lại kết quả rất tốt. Sau phẫu thuật, hầu hết trẻ:
- Bị viêm họng ít hơn và nhẹ hơn
- Bị viêm tai ít hơn
- Thở bằng mũi dễ hơn
Thông tin này nhằm cho mục đích giáo dục và không nhằm thay thế cho việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn có thắc mắc liên quan đến việc chăm sóc trẻ, xin vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ |