Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiên nay trên thế giới. Trong đó, tử vong do nhồi máu cơ tim cấp là một trong những sát thủ đáng gờm nhất, vì nó thường xảy ra đột ngột, triệu chứng đa dạng, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác hoặc bị bỏ sót, nhất là khi triệu chứng không điển hình hoặc thậm chí không có triệu chứng nào cả
Đó là một phần câu chuyện được bác sĩ Trình Văn Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện FV, kể lại. Và người được cứu là một trong những bệnh nhân của ông.
Vào một buổi sáng làm việc gần đây như mọi ngày, BS Hải tiếp nhận một nam bệnh nhân người Singapore đến để được xử lý khối áp-xe lớn vùng lưng trên cơ địa tiểu đường. Trong lúc BS Hải loay hoay rạch tháo mủ từ khối áp xe, bệnh nhân bày tỏ lời cảm ơn do đã cứu mạng ông lần thứ hai. Đáp lại, BS Hải nói ông chỉ làm công việc của người thầy thuốc, vì thực sự lúc đó bác sĩ không nhớ đây là bệnh nhân cũ của mình, nhưng chính bệnh nhân đã giúp ông nhớ lại ca cấp cứu năm ngoái.
Trưa 11/11/2016, bệnh nhân Singapore này (sinh năm 1963) đến Khoa Cấp cứu vì bị đau ở hàm và cơn đau lan xuống tay trái. Bệnh nhân không bị đau ngực, không có triệu chứng nhồi máu cơ tim nào, và trước đó chưa từng bị nhồi máu cơ tim. Huyết áp được đo lúc ấy là 240/133, rất cao. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ hạ áp cấp cứu, đo điện tim, thử men tim và hội chẩn tim mạch khẩn. Siêu âm tim do BS Nguyễn Thái Bình Sơn (Khoa Tim mạch) thực hiện chưa cho thấy điều gì bất thường. Tuy nhiên, kết quả men tin lúc 14g20 là 246 đơn vị (người bình thường là nhỏ hơn 15 đơn vị); và lúc 18g là 390 đơn vị. Với kinh nghiệm nhiều năm làm bác sĩ cấp cứu, BS Hải liền nghĩ ngay đến bệnh nhồi máu cơ tim dù bệnh nhân không đau ngực.
“Men tim tăng cao tại một thời điểm nhất định có thể do nhiều bệnh lý khác ngoài nhồi máu cơ tim cấp. Khi đó, men tim cao phải được thử lại it nhất mỗi 4 tiếng đồng hồ. Chỉ số men tim giữa các lần thử giúp các bác sĩ hướng đến hoặc loại trừ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Trường hợp này, bệnh nhân không đau ngực nhưng men tim tiếp tục tăng cao như vậy nghĩa là bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim cấp và bệnh đang diễn tiến. Phải có biện pháp điều tri tích cực, can thiệp càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu nguy cơ tổn thương cơ tim, thậm chí là nguy cơ tử vong, cho bệnh nhân. Và chúng tôi hành động tức thì”, BS Hải nhớ lại.
Bệnh nhân sau khi đươc điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu đã được chuyển đến Khoa Tim mạch để được duy trì huyết áp ổn định, dùng thuốc tăng độ ổn định nhịp tim, kháng đông và các điều trị hỗ trợ khác. Trải qua 3 ngày nằm tại FV, tình hình sức khỏe của bệnh nhân ổn định. Bệnh nhân đủ sức khỏe để bay về nước (Singapore) để làm phẫu thuật đặt stent theo nguyên vọng của ông. Các bác sĩ ở Singgapore chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim diện rộng và ông được đặt tổng cộng 6 stent.
BS Hải giải thích thêm: “Chẩn đoán nhồi máu cơ tim dựa trên cơn đau ngực, đo điện tim và đo men tim. Trường hợp này, bệnh nhân không đau ngực, điện tim ban đầu cũng chưa phát hiện bất thường, do đó rất dễ bị bỏ sót. Với bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp, việc chẩn đoán đúng và xử lý kịp thời chính là mang lại cơ hội sống cao cho bệnh nhân”.
BS Hải chính là người vào tháng 5-2016 dẫn đầu ê-kíp xe cấp cứu của FV tháp tùng trọn chuyến công du TP.HCM của Tổng thống Mỹ Barack Obama để thực hiện nhiệm vụ: FV là bệnh viện cung cấp dịch vụ dự phòng hỗ trợ y tế cho cả phái đoàn Tổng thống. BS từng tu nghiệp bên Pháp và có nhiều năm kinh nghiệm cấp cứu cả nội viện và ngoại viện, từ trên bộ, đường hàng không đến cấp cứu trên biển. Tuy là người ít nói nhưng ông nhấn mạnh công tác cấp cứu quyết định tính mạng của bệnh nhân.