X-quang thường quy là gì?
X-quang thường quy là một công cụ chẩn đoán quan trọng và là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cơ bản nhất. Tia X được dùng để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Các hình ảnh này được dùng để phát hiện các bất thường trong xương, phổi và các cơ quan nội tạng khác. Khi chụp X-quang, một phần cơ thể sẽ phơi nhiễm với một liều nhỏ bức xạ ion hóa để tạo ra hình ảnh của xương và các cơ quan nội tạng giúp chẩn đoán và điều trị bệnh nhân tốt hơn. Khi đi vào cơ thể, các phần khác nhau của cơ thể sẽ hấp thu tia X ở mức độ khác nhau. Ví dụ như xương sườn và xương sống sẽ có màu trắng hoặc xám nhạt trên hình ảnh do hấp thu nhiều bức xạ hơn. Mô phổi và các cơ quan nội tạng sẽ có màu tối hơn trên hình ảnh do hấp thu bức xạ ít hơn. Theo cách này, ‘hình ảnh’ của cơ thể sẽ được hình thành.
X-quang thường quy thường được chỉ định trong các trường hợp nào?
X-quang phổi và xương là các khảo sát rất thường gặp.
X-quang phổi thường được thực hiện để đánh giá phổi, tim và các cơ quan lân cận.
X-quang xương là cách nhanh nhất và đơn giản nhất giúp bác sĩ quan sát và đánh giá tình trạng gãy xương, nứt sọ và tổn thương cột sống. Thông thường chụp 2 tư thế cho một khảo sát xương và từ 3 tư thế trở lên cho các vấn đề quanh khớp (gối, khuỷu tay hoặc cổ tay).
Lợi ích và nguy cơ là gì?
Lợi ích
Hình ảnh X-quang có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý và tổn thương ở xương khớp, như gãy xương, nhiễm trùng, viêm khớp hoặc ung thư.
Vì X-quang thực hiện nhanh chóng và dễ dàng nên đặc biệt hữu ích trong chẩn đoán và điều trị cấp cứu.
Thiết bị X-quang được sử dụng rộng rãi nên thuận tiện cho cả bác sĩ và bệnh nhân.
Nguy cơ
Một số người cảm thấy lo lắng vì tia X không an toàn và có thể gây đột biến tế bào khi phơi nhiễm bức xạ, từ đó có thể dẫn đến ung thư. Lượng bức xạ bị phơi nhiễm trong quá trình chụp X-quang sẽ phụ thuộc vào vị trí mô hoặc cơ quan cần khảo sát. Mức độ nhạy cảm với bức xạ sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, và trẻ em sẽ nhạy cảm hơn người lớn.
Tuy nhiên, việc phơi nhiễm bức xạ với tia X thường rất thấp trong các cơ sở chẩn đoán hình ảnh hiện đại có sử dụng thiết bị tối tân nhất, và lợi ích từ các khảo sát này lại cao hơn nhiều so với các nguy cơ.
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, hãy thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên hình ảnh y học trước khi chụp X-quang. Mặc dù phần lớn các X-quang chẩn đoán có nguy cơ thấp đối với thai nhi, bác sĩ vẫn có thể cân nhắc thay thế bằng một khảo sát hình ảnh khác, ví dụ như siêu âm. Thông thường, thời gian được xem là an toàn để chụp X-quang là 10 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
Bạn nên chuẩn bị gì cho khảo sát?
Khảo sát này không cần chuẩn bị đặc biệt. Bạn có thể được yêu cầu thay áo choàng để tránh các vật dụng, khuy nút và dây kéo bằng kim loại. Ngoài ra, bạn còn được yêu cầu tháo nữ trang, mắt kính và những vật dụng bằng kim loại khác vì có thể làm che khuất hình ảnh.
Vì có chiếu tia X, nên khuyến cáo không thực hiện cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thai kỳ. Để tránh sự phơi nhiễm bức xạ không cần thiết cho thai nhi, bệnh nhân nữ sẽ được hỏi về tình trạng mang thai trước khi chụp X-quang. Điều này đặc biệt quan trọng khi khảo sát vùng bụng chậu.
Khảo sát được thực hiện như thế nào?
Kỹ thuật viên hình ảnh y học sẽ xác định vị trí cần chụp X-quang của cơ thể. Nhân viên này có thể dùng gối hoặc túi cát để giúp bạn giữ đúng vị trí. Khi đã chỉnh sửa tư thế theo đúng yêu cầu trên tấm nhận ảnh X-quang, bạn có thể được yêu cầu hít sâu và nín thở hoặc chỉ cần nín thở và giữ yên tư thế. Kỹ thuật viên hình ảnh y học sẽ vào phòng điều khiển và kích hoạt thiết bị chụp X-quang để phát chùm tia X đến vùng đã định vị. Bạn cần giữ yên tư thế vì bất kỳ cử động nào cũng có thể làm mờ hình ảnh và từ đó không thể đưa ra chẩn đoán chính xác.
Khảo sát X-quang thường được hoàn thành trong vòng 5 đến 30 phút tùy thuộc vào số tư thế chụp theo yêu cầu của bác sĩ, mức độ nghiêm trọng bệnh, độ tuổi và sự hợp tác của bệnh nhân.
Khi đã chụp xong, bạn sẽ được yêu cầu chờ cho đến khi kỹ thuật viên hình ảnh y học và đôi khi là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, kiểm tra hình ảnh để xác định xem có cần chụp thêm các tư thế khác hay không.
X-quang cho trẻ em
Khi chụp X-quang cho trẻ em, các dụng cụ hoặc kỹ thuật khác có thể được sử dụng để giúp trẻ giữ yên tư thế. Những kỹ thuật này có thể là cần thiết nếu trẻ cử động trong khi chụp X-quang, nó thường an toàn, không gây hại cho trẻ và giúp ngăn ngừa việc chụp lại. Bạn có thể được yêu cầu ở cùng trẻ trong quá trình chụp, và đôi khi phải giúp trẻ giữ đúng tư thế. Nếu ở trong phòng chụp trong thời gian chiếu tia X, bạn sẽ được yêu cầu mang tạp dề chì để tránh phơi nhiễm bức xạ không cần thiết. Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, hãy thông báo cho kỹ thuật viên hình ảnh y học.
Bạn sẽ có trải nghiệm gì trong quá trình khảo sát?
Đây là một thủ thuật không gây đau. Điều duy nhất có thể làm bạn khó chịu là độ lạnh và độ cứng của thiết bị chụp X-quang hoặc tấm nhận ảnh X-quang. Đôi khi để có được hình ảnh rõ nét của tổn thương, bạn có thể được yêu cầu giữ một tư thế không dễ chịu trong thời gian ngắn. Bất kỳ cử động nào cũng có thể làm mờ hình ảnh và cần phải chụp lại để có hình ảnh rõ nét và giá trị hơn.
Khi nào tôi có thể nhận kết quả?
Tia X sẽ được chụp lại, phân phối và lưu dưới dạng kỹ thuật số có thể quan sát được trên màn hình máy tính trong vài phút. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thường xem và phân tích kết quả, sau đó gửi báo cáo cho bác sĩ chỉ định để giải thích kết quả cho bạn. Trong trường hợp cấp cứu, kết quả chụp X-quang có thể gửi đến bác sĩ chỉ định chỉ trong vòng vài phút.