4 tác dụng phụ khi xạ trị vùng bụng – chậu

Tác dụng phụ khi xạ trị vùng bụng – chậu để điều trị ung thư đôi khi có thể xảy ra. Bệnh nhân có thể gặp hoặc không gặp những tác dụng phụ này. Tác dụng phụ khi xạ trị và mức độ nghiêm trọng của chúng tùy thuộc vào từng trường hợp của bệnh nhân.

Tài liệu này sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về các tác dụng phụ khi xạ trị có nhiều khả năng xảy ra và các biện pháp phòng chống. Thông thường, các tác dụng phụ sẽ xuất hiện vào khoảng tuần thứ 3 của đợt điều trị và có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan nằm trong vùng điều trị. Tác dụng phụ có khuynh hướng tăng dần vào cuối đợt điều trị.

TÁC DỤNG PHỤ TRÊN BÀNG QUANG:

  • Tiểu rát buốt.
  • Đi tiểu thường xuyên.
  • Đau vùng chậu.
  • Hiếm hơn, có thể có máu trong nước tiểu.

TÁC DỤNG TRÊN ĐƯỜNG TIÊU HÓA:

  • Nôn và buồn nôn nếu xạ trị ở vùng thượng vị.
  • Các cơn co thắt ruột.
  • Tiêu chảy hoặc phân có nhầy nhớt.
  • Buốt mót đại tiện.
  • Máu trong phân.
  • Cảm giác kích thích hậu môn, giống như bị trĩ.
Vùng-bụng-chậu-của-nam-và-nữ
Vùng bụng chậu của nam và nữ

TÁC DỤNG TRÊN DA:

Kích ứng da xảy ra nhiều nhất là ở các nếp gấp (như nếp gấp ở mông, ở bẹn). Dấu hiệu da bị kích ứng bắt đầu từ hiện tượng đỏ da và dần trở thành bỏng da có tiết dịch. Không nên thoa bất kỳ loại thuốc nào nếu như không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

MỆT MỎI:

Mệt mỏi không có nghĩa là bệnh nặng thêm. Có thể do nhiều nguyên nhân: từ bản thân căn bệnh, sự thay đổi nhịp sống, sự lặp lại việc điều trị hàng ngày, tình trạng sụt cân, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và những tác động của việc điều trị vừa qua (phẫu thuật, hóa trị,…). Trong mọi trường hợp, bệnh nhân nên thông báo sớm cho bác sĩ về sự mệt mỏi của mình và bác sĩ sẽ nhanh chóng tìm cách cải thiện tình trạng này.

NHỮNG KHUYẾN CÁO THIẾT THỰC ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP CÓ TÁC DỤNG PHỤ KHI XẠ TRỊ:
  • Tuân thủ chế độ ăn ít chất xơ (tránh ăn rau, đậu, bánh mì) để giảm tiêu chảy.
  • Tránh những thức ăn nhiều mỡ, nhiều gia vị, cữ rượu và thức ăn chế biến đông lạnh (tham khảo bảng hướng dẫn phía sau).
  • Nên uống đủ nước (1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày) ngay từ lúc bắt đầu điều trị và tập thể dục theo tình trạng sức khỏe cho phép

Không phải trường hợp điều trị nào cũng bị những tác dụng phụ khi xạ trị như trên.

Phần lớn các hiện tượng gây ra kích thích và sung huyết sẽ mất dần trong vài tuần sau khi chấm dứt điều trị.

Chế-độ-dinh-dưỡng-trong-trường-hợp-bị-tiêu-chảy-gây-nên-từ-tác-dụng-phụ-khi-xạ-trị
Chế độ dinh dưỡng trong trường hợp bị tiêu chảy gây nên từ tác dụng phụ khi xạ trị

 

Bệnh nhân phải thông báo ngay cho kỹ thuật viên xạ trị hoặc bác sĩ điều trị khi xuất hiện những tác dụng phụ, để được điều trị kịp thời và thích hợp.

Bác sĩ điều trị sẽ theo dõi những tác dụng phụ khi xạ trị này và sẽ đưa ra những chỉ dẫn bổ sung.

Trên đây là bài viết về tác dụng phụ khi xạ trị điều trị ung thư, do bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện FV biên soạn. Bệnh nhân cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện xạ trị vùng bụng chậu nói riêng và điều trị ung thư nói chung. Khi có nhu cầu thăm khám và tầm soát ung thư, vui lòng liên hệ Khoa Ung bướu Bệnh viện FV để được tư vấn (028) 54 11 33 33.