Công việc tại Khu Săn sóc Đặc biệt (ICU) – Bệnh viện FV là sự hòa trộn giữa nhiều điều trái ngược. Tại đây có sự hiện diện của sự sống và cái chết, có cả những niềm vui và nỗi buồn, có những con người thầm lặng níu giữ từng sinh mệnh giữa bộn bề công việc.
Mỗi ngày có trăm đường lo toan
Trên màn hình theo dõi tại trung tâm Khu ICU hôm nay, hầu như các phòng đều có bệnh nhân đang được chăm sóc. Có người đang thay băng, rửa vết thương; có người đang được kiểm tra các ống dẫn lưu, ống nội khí quản, kiểm tra nhiễm trùng; có người thì chuẩn bị cho phiên tập vận động và hô hấp với các chuyên viên vật lý trị liệu. Trong khi ở một phòng khác, một điều dưỡng đang hỗ trợ chuyên viên dinh dưỡng đánh giá thể trạng của người bệnh. Không chỉ làm khu trú trong nhóm việc của mình, các điều dưỡng ICU sẽ phải kết nối với nhiều đơn vị khác, để tạo ra một quy trình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân của họ.
Điều dưỡng ICU có thể theo dõi tình trạng tất cả bệnh nhân từ các màn hình trung tâm
Cô Đàm Thị Hòa (Điều dưỡng khoa ICU) – thường được gọi thân mật là sơ (soeur) Hòa – đang ghi nhật ký điều trị trong ca sáng hôm nay, mọi diễn tiến chăm sóc đều được viết lại tường tận, để báo cáo lại cho các bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường ở người bệnh. Tất cả thường được viết bằng tiếng Anh – ngôn ngữ khuyến khích sử dụng trong các hồ sơ bệnh án tại Bệnh viện FV.
Thời gian làm việc tại ICU được chia làm 3 ca, trong đó, thời điểm “tất bật” nhất là khi mọi người bàn giao ca trực. Bây giờ đã gần 14 giờ mà buổi bàn giao vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, mặc dù đã diễn ra được 30 phút. Các cặp điều dưỡng giữa 2 ca, cứ 2 người thì xoay quanh một chồng hồ sơ bệnh. Ghi chép, hỏi thêm vài ý rồi lại ghi chú, cứ thế lặp lại, để chắc rằng ca trực tiếp theo tiếp nhận đúng tiến trình điều trị. Mọi người tranh thủ ngay khi bàn giao xong sẽ ăn trưa. “Cuộc trao đổi hằng ngày” đó dường như bất tận.
Các chi tiết nhỏ cũng đều phải được bàn giao rõ ràng cho ca trực tiếp theo
Anh Đỗ Chí Tâm (Điều dưỡng Trưởng ICU) cười nói: “Giờ giấc sinh hoạt, nghỉ ngơi mọi người đều chủ động, nhưng nhiều khi cũng phải nhắc nghỉ”. Bởi các điều dưỡng trẻ cứ xoay vòng với công việc, nếu không nhìn vào phòng bệnh thì lại chăm chăm vào hồ sơ mà quên cả mình, vì lo lắng đôi phút nghỉ ngơi của mình có khi ảnh hưởng cả một đời đối với bệnh nhân ICU. Do vậy cứ như những người lính gác, các điều dưỡng sẽ thông báo cho nhau khi cần đi ra ngoài, đi ăn, hay cả khi đi vệ sinh. Điều đó không chỉ vì sự an toàn trong điều trị, mà cùng làm bản thân người điều dưỡng cảm thấy an tâm hơn khi rời mắt khỏi người bệnh.
Trong giờ cơm luôn bất định tại ICU, câu chuyện cũng xoay quanh bao nhiêu chuyện đời, nhưng đan xen còn có tình trạng của bệnh nhân phòng này, giờ chuyển bệnh của phòng kia. Chuyện bệnh đôi lúc nhiều hơn chuyện nhà. Chị Châu đang ăn lưng nửa ly cơm đã vội buông đũa, rửa tay, thay khẩu trang quay trở lại hỗ trợ bệnh. Bên kia bàn, chị Phụng bảo chiều nay xin nghỉ về sớm chăm con đang bệnh ở nhà. “Sáng tính nghỉ rồi, nhưng anh Tâm báo bệnh nhân cần hỗ trợ nhiều quá”, chị giải thích. Chị tranh thủ lúc ăn cơm – cũng là giờ nghỉ – để kiểm điểm lại các công việc cần hoàn thiện; đã bàn giao đầy đủ chưa.
Giờ cơm cũng thường biến thành giờ trao đổi công việc tại ICU
Bên ngoài, tiếng nhịp đều đặn của các máy theo dõi sinh hiệu, tiếng bơm không khí của các máy trợ thở và tiếng trao đổi vẫn quyện vào nhau. Chút “bộn bề” đều đặn đó báo cho những ai đang tạm “nghỉ giữa hiệp” biết rằng mọi thứ vẫn đang được kiểm soát tốt, họ có thể chậm rãi một chút để hoàn thành bữa cơm của mình. Tuy vậy, trên bàn vẫn còn nhiều phần cơm chưa được dùng, nhiều phần đang dang dở và cũng thường có những hôm cơm để tới chiều muộn, rồi không còn dùng được nữa.
Trăn trở với từng sinh mạng
Anh Tâm chia sẻ, một điều dưỡng ICU thạo việc không chỉ phân biệt được các âm thanh trong khu điều trị, mà còn nhận ra âm thanh đó đang thể hiện điều gì, có điều bất thường nào hay không. Tuy nhiên, chuyện “mắt nhìn, tai nghe và tay làm tất bật” chưa hẳn tạo ra những áp lực lớn tại đây. Ở ICU còn có nhiều sức ép vô hình khác về mặt tâm lý.
Sáng nay ICU vừa có một ca sản phụ gặp biến chứng sau sinh, đã phẫu thuật 4 lần trong vòng 1 tháng tại Campuchia, trước khi được chuyển đến FV trong tình trạng chảy máu không cầm. Luân phiên cứ khoảng 30 – 60 phút, sẽ có điều dưỡng với đầy đủ PPE vào phòng cách ly chăm sóc cho ca bệnh “lành ít dữ nhiều” này. “Có trường hợp còn cần nhân lực đông hơn, thiết bị nhiều hơn, làm việc tăng ca nữa thì mới đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”, anh Tâm cho biết.
Việc liên tục tiếp xúc với những ca bệnh nặng tạo áp lực lớn về tinh thần lên các bác sĩ và điều dưỡng tại ICU
Tất cả thành viên trong nhóm chăm sóc đều cầu mong cho sản phụ này đáp ứng điều trị và máu có thể cầm trong hôm nay. Không chỉ vì sự đồng cảm với một bà mẹ trẻ, hay lo lắng cho hiệu quả điều trị của bệnh viện, mà kéo dài một ngày điều trị cho sản phụ này có thể tạo ra gánh nặng kinh tế rất lớn đối với gia đình. Điều đó làm người điều dưỡng cảm thấy thêm trĩu nặng trách nhiệm và tâm lý.
Khu ICU của FV nằm tại tầng 2, trong 20 năm làm việc tại đây, sơ Hòa cũng như anh Tâm không thể nào nhớ xuể bao nhiêu trường hợp được chuyển lên khu vực nội trú (tầng 4, 5, 6), hay được đưa đến nhà vĩnh biệt (tầng trệt). Tuy nhiên cả hai đều chắc chắn, những lần vui mang người bệnh về lại với sự sống thì chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với những lần buồn. “Tuy vậy việc thông báo để người nhà chuẩn bị tinh thần cho diễn biến xấu sắp tới cũng không phải việc dễ chịu, nhất là với điều dưỡng trẻ”, sơ Hòa nói.
20 năm tại ICU, sơ Hòa nói cần cân bằng giữa chuyện nghề và chuyện đời thì mới chịu được những căng thẳng tại Khu Săn sóc Đặc biệt
Phía sau sơ Hòa, bạn Hà Gia Phong (Thư ký Tính phí Nội trú – ICU) vừa kết thúc một cuộc gọi giải thích chi phí điều trị cho người nhà. Phong nói: “Ban đầu, khi thông báo tiền điều trị của những ca bệnh nặng hay tử vong mình cũng rất căng thẳng. Nhưng nhìn chung gia đình đều phản ứng khá chừng mực”. Phong lý giải do trong thời gian trước đó, các bác sĩ và điều dưỡng đã chia sẻ không chỉ chi tiết về thông tin điều trị, mà còn cho thấy sự đồng cảm, cũng như hỗ trợ về tinh thần dành cho gia đình. “Họ hiểu chúng ta đã làm tốt nhất có thể rồi, nên tới khâu của mình cũng dễ chịu hơn. Bởi áp lực đã dồn nhiều ở các bác sĩ và điều dưỡng trong giai đoạn trước đó”, Phong nói thêm.
Những bữa ăn vội vàng, những nhịp chân hối hả, hay những áp lực vô hình đôi lúc chỉ là sở thích của những ai yêu mến sự bận rộn. Cũng có nhiều người sẽ không quen và thậm chí không thích với tần suất công việc như vậy. Nhưng ở ICU, sinh mệnh của một con người không chỉ thể hiện qua các con số, hay thống kê trên các thiết bị, mà còn hiện hữu trong sự bộn bề ấy. Những vội vã rất đáng trân quý.